Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

Tìm hiểu về một số đóng góp của Thiên Chúa Giáo đối với văn hóa Việt Nam



Lời dẫn: Nhân dịp mùa Noel năm 2010, tôi xin giới thiệu 1 bài nghiên cứu về một số đóng góp của Thiên Chúa Giáo với văn hóa Việt của Th.s Phạm Thị Thanh Huyền, khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau khi đã lược bỏ một số câu mang màu sắc chính trị không có ý nghĩa về học thuật.

File định dạng ms word với đầy đủ hình ảnh minh họa download ở đây


NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA THIÊN CHÚA GIÁO VỚI VĂN HÓA VN

MỘT SỐ ĐÓNG GÓP CỦA THIÊN CHÚA GIÁO ĐỐI VỚI VĂN HOÁ VIỆT NAM

(THẾ KỶ XVII – ĐẦU THẾ KỶ XX)

Phạm Thị Thanh Huyền

Đặt vấn đề

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới đều có mặt ở đây (Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành giáo…). Trong quá trình phát triển đạo ở Việt Nam, các tôn giáo đã trở thành cầu nối tiếp xúc văn hoá, vì tôn giáo bản thân nó cũng chính là một thành tố của văn hoá. Do đó, không thể phủ nhận vai trò đặc biệt quan trọng của tôn giáo đối với sự phát triển của văn hoá Việt Nam.

Từ sau phát kiến địa lý (thế kỷ XV) cho đến thế kỷ XIX, Thiên Chúa giáo được truyền bá ra phạm vi toàn thế giới. Vì lẽ đó mà “Sự truyền bá đạo Thiên Chúa vào Việt Nam trong các thế kỷ từ XV đến XIX, một bộ phận của sự truyền bá đạo Thiên Chúa ra phạm vi toàn thế giới trong các thế kỷ nói trên, đương nhiên cũng phải tuân thủ những quy luật lịch sử, thời đại đã chi phối cuộc truyền giáo đó” [1]. Theo các nhà tôn giáo học và văn hoá học thì “tôn giáo là một phương diện của văn hoá và mọi sự tiếp xúc tôn giáo đều có thể được coi là tiếp xúc văn hoá. Và sự truyền bá các tôn giáo lớn sang các vùng đất mới, như trường hợp Thiên Chúa giáo thời cận đại, ngoài những chức năng nào khác, còn được coi là có chức năng chuyển tải văn hoá (transculturel), đương nhiên là văn hoá phương Tây” [2]. Và trong sự chuyển tải văn hoá đó, những yếu tố tích cực, góp phần phát triển nền văn hoá bản địa cần phải được chúng ta nhìn nhận là những đóng góp của tôn giáo nói chung, của Thiên Chúa giáo nói riêng đối với văn hoá Việt Nam.

Như chúng ta đã biết, Thiên Chúa giáo ra đời ở Palextin, thuộc Trung Cận Đông nhưng nó đã sớm được truyền bá và phát triển mạnh ở châu Âu (từ thế kỷ IV đã trở thành quốc giáo của đế quốc Rô Ma rộng lớn). Vì thế, Thiên Chúa giáo mang trong mình dấu ấn của nền văn minh phương Tây. Khi truyền sang Việt Nam, Thiên Chúa giáo đã đóng vai trò là cầu nối chuyển tải những thành tố của văn minh phương Tây đến văn hoá Việt Nam. Các giáo sĩ đến truyền giáo ở nước ta lúc đó đều là những người được đào tạo chính quy trong các chủng viện, đại chủng viện, do đó rất nhiều người có trình độ uyên thâm và có những cống hiến nhất định trong việc chuyển tải văn hoá, văn minh tới vùng đất ngoại. Giáo sư Phan Huy Lê viết “Trong hàng ngũ giáo sĩ có những người chỉ hoạt động vì đức tin và cũng có những góp phần truyền bá một số kỹ thuật phương Tây vào Việt Nam” [3]. Chính họ là những người đầu tiên đã giới thiệu những tiến bộ của văn minh phương Tây với Việt Nam.

Trong quá trình truyền bá đạo ở Việt Nam, Thiên Chúa giáo có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của văn hoá Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như kiến trúc, báo chí, văn chương, ngôn ngữ, lối sống, giáo dục…Trong phạm vi bài viết hội thảo lần này, chúng tôi chỉ xin được đề cập tới một số yếu tố tích cực mà Thiên Chúa giáo đã đem lại cho nền văn hoá Việt Nam, đó là:

- Sự tạo thành chữ “Quốc ngữ”

- Sự du nhập công nghệ in hiện đại và sự phát triển của báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX

- Sự du nhập của nghệ thuật kiến trúc nhà thờ.

1. Sự tạo thành chữ “Quốc ngữ”

Đây là một trong những đóng góp quan trọng nhất của các giáo sĩ đạo Thiên Chúa đối với văn hoá Việt Nam, các Thừa sai đã Latinh hoá tiếng Việt để tạo ra một loại văn tự mới đó là chữ Quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ ra đời chính xác vào thời gian nào, cho đến nay vẫn chưa xác định được, nhiều người cho rằng thời điểm sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là khoảng từ năm 1620 đến năm 1651, công lao đầu tiên thuộc về các nhà truyền giáo dòng Tên. “Thời gian đầu, từ 1615 – 1663, chỉ có các nhà truyền giáo dòng Tên đến làm việc trong vùng đất Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn, đã cùng nhau đóng góp vào công trình tạo ra chữ Quốc ngữ. Năm 1651 in sách Quốc ngữ. Sau đó còn nhiều công trình do nhiều người đã làm cho thứ chữ này hoàn chỉnh hơn, phổ biến hơn suốt từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX” [4].

Lúc đầu, chữ Quốc ngữ là thứ chữ ghi âm nhưng chưa định hình, chưa phản ánh một cách khoa học và trung thực cơ cấu ngữ âm của tiếng Việt, còn chịu ảnh hưởng sâu đậm tiếng nói và chữ viết của người Bồ Đào Nha, người Ý, người Pháp.

Ví dụ: để ghi từ “sách”, người ta viết sayc, để ghi từ “nước mặn”, người ta viết nuocman, để ghi từ “ông nghè”, người ta viết ungue, ungué, ungné, ounghe, oungueh…. Hay người ta viết ũ để ghi vần ung (ví dụ cũ = cung), viết để ghi vần ông, (ví dụ s= sông). Nhưng dần dần qua nhiều lần cải tiến, chữ Quốc ngữ đã đạt đến dạng hoàn chỉnh như ngày nay.

Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng người có công đầu tiên tạo ra chữ Quốc ngữ là Thừa sai Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha. Pina sinh năm 1585 tại Guarda, gia nhập dòng Tên lúc 20 tuổi. Ông đến Đàng Trong năm 1617, “là nhà truyền giáo đầu tiên biết Tiếng Việt, cũng là tu sĩ dòng Tên đầu tiên soạn một tập nhỏ về chính tả cùng các dấu thinh của tiếng Việt và năm 1622 bắt đầu soạn ngữ pháp tiếng Việt” [5].

Qua nghiên cứu cuốn sách “Công trình của một số nhà tiên phong Bồ Đào Nha trong lĩnh vực ngôn ngữ học Việt nam cho đến năm 1650” của Roland Jacque (nhà ngôn ngữ học người Pháp), Nguyễn Phước Tương cũng cho rằng “chúng ta có đủ cơ sở khoa học để kết luận rằng giáo sĩ dòng Tên đầu tiên có công trình phiên âm tiếng Việt thành chữ Quốc ngữ chậm nhất vào năm 1623, trước khi Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong vào năm 1624, có tên gọi là “Nhập môn tiếng Đàng Ngoài” là Francisco de Pina” [6].

Sau Francisco de Pina, phải kể đến giáo sĩ Gaspar d’Amaral, người đã biên soạn cuốn “Từ điển Bồ – Việt” vào những năm 1636 – 1645, và giáo sĩ Antonia de Barbosa, ông đã biên soạn cuốn “Từ điển Việt – Bồ” trước khi Alexandre de Rhodes biên soạn và in cuốn “Từ điển Việt – Bồ – Latinh” vào năm 1651.

Nhưng người có công lao to lớn trong việc hình thành chữ Quốc ngữ đó chính là Alexandre de Rhodes (hay còn gọi là cha Đắc Lộ). Ông sinh năm 1593 tại tỉnh Avignon, nước Pháp, là người gốc Do Thái. Năm 1612, Alexandre deRhodes gia nhập vào dòng Tên ở Rôma, năm 1618, ông được thụ phong linh mục khi mới tròn 25 tuổi.

Những công trình đáng kể của Alexandre de Rhodes là “Từ điển Việt – Bồ – Latinh” (Dictionarum Anamiticum Lusitanum et Latinum) và cuốn “Phép giảng tám ngày” (Cathechimus). Cả hai cuốn đều được đúc chữ và ấn hành ở Rôma vào năm 1651. Có thể coi đây là hai cuốn sách đầu tiên được in bằng chữ Quốc ngữ. Cho đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, cuốn từ điển của Alexandre de Rhodes vẫn được coi là tài liệu cơ bản để học tập và nghiên cứu tiếng Việt qua chữ Quốc ngữ.

Các thế hệ Thừa sai sau Alexandre de Rhodes tiếp tục theo gương ông biên soạn các loại từ điển tiếng Việt có bổ sung và ngày càng hoàn chỉnh hơn. Đáng kể là năm 1838, một cuốn từ điển mới, đối chiếu hai thứ tiếng Việt – Latinh, Latinh – Việt có ghi thêm chữ Nôm bên cạnh chữ Quốc ngữ, được gọi là “Nam Việt dương hiệp tự vị” (Dictionarium anamitico latinum) do Giám mục Taberd biên soạn, được xuất bản ở Serampur – Ấn Độ. Về cơ bản, chữ Quốc ngữ trong cuốn từ điển này đã có dạng thức như chữ Quốc ngữ ngày nay. Đó là một trong những tài liệu cơ sở được dùng để nghiên cứu tiếng Việt thế kỷ XIX.

Trang bìa Cuốn Tự điển Việt – La tinh do giáo sĩ P.J. Pigneaux de Béhaine khởi soạn năm 1772; được giáo sĩ J.L. Taberd chỉnh lý bổ sung, xb tại Ấn Độ năm 1838 và Trang đầu Cuốn Tự điển Việt – La tinh

Tóm lại, chữ Quốc ngữ đã trải qua một quá trình liên tục cải tiến để được hoàn chỉnh như ngày nay, song chúng ta không thể phủ nhận công lao đầu tiên sáng tạo ra hình dạng của nó thuộc về các Thừa sai Thiên Chúa giáo, nhất là các thừa sai dòng Tên gốc Bồ Đào Nha.

Kể từ lúc ra đời cho tới cuối thế kỷ XIX, chữ Quốc ngữ đã dần dần được hoàn thiện từng bước nhằm phục vụ cho công cuộc truyền giáo như in kinh bổn và các sách giáo lý. Nó cũng là phương tiện ghi chép những hoạt động của các giáo sĩ và giáo dân. Như vậy, trải qua hơn hai thế kỷ sau khi ra đời, phạm vi sử dụng của chữ Quốc ngữ chỉ hạn chế trong khuôn khổ nhà thờ và giáo dân.

Đến cuối thế kỷ XIX đã xuất hiện một số văn bản Quốc ngữ ghi lại các truyện Nôm như Kiều, Lục Vân Tiên, Quốc sử diễn ca và một số bản dịch tiếng Việt các sách kinh điển Nho học như Trung dung, Đại học in bằng chữ Quốc ngữ. Cũng trong thời gian này, một số tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên đã được lưu hành như Chuyện đời xưa, Chuyện khôi hài, Chuyến đi thăm Bắc Kỳ năm Ất Hợi

Mãi đến đầu thế kỷ XX các nhà “duy tân” ở Việt Nam mới thấy được ở thứ chữ này những khả năng to lớn cho việc mở mang dân trí. Điều đó được thể hiện qua những vần thơ cổ động:

“ Trước hết phải học ngay Quốc ngữ

Khỏi đôi đường tiếng, chữ khác nhau

Chữ ta, ta đã thuộc làu,

Nói ra nên tiếng, nên câu, nên lời” [9]

Đông Kinh Nghĩa Thục, một tổ chức vận động cách mạng, đã ra sức cổ động cho việc học tập và phổ biến chữ Quốc ngữ. Trong tập “Văn minh tân học sách” do Hội xuất bản năm 1907, khi nêu 6 việc cần phải xúc tiến để mở mang dân trí, việc sử dụng rộng rãi chữ Quốc ngữ được đặt lên hàng đầu.

“Trầm ngâm suy nghĩ cho cùng, để tìm kế mở mang dân trí giữa nghìn muôn khó khăn, thì thấy chỉ có sáu đường:

Một là dùng văn tự nước nhà… Văn tự đặt ra là cốt để ghi tiếng nói…Các nước trên địa cầu nước nào chẳng vậy… Còn nước ta vẫn chưa có. Ấy là một điều rất kỳ. Thiết nghĩ nước ta đời xưa hẳn là cũng có văn tự, chẳng qua lâu ngày thất truyền đi đó thôi.

Gần đây, mục sư người Bồ Đào Nha chế ra chữ Quốc ngữ, lấy 26 chữ cái châu Âu phối hợp với 6 âm 11 vận, đánh vần theo lối hài thanh mà đọc ra tiếng ta, rất là giản dị, nhanh chóng. Tưởng nên một loạt học theo. Phàm người trong nước đi học nên lấy chữ Quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên, để cho trong thời gian vài tháng, đàn bà trẻ con cũng đều biết chữ…” [10].

Có thể nói, sự ra đời của chữ Quốc ngữ là một cuộc cách mạng trong lịch sử hình thành chữ viết của dân tộc ta. Trước khi chữ Quốc ngữ xuất hiện, ở Việt Nam đã tồn tại chữ Hán và chữ Nôm. Trong suốt một thời gian dài, chữ Hán được sử dụng như một văn tự chính thức của nước ta. Mặc dù vậy, giữa chữ Hán và tiếng Việt vẫn có một sự khác biệt rất căn bản. Người Việt Nam chỉ viết đọc chữ Hán nhưng không nói ngôn ngữ Hán. Các văn bản bằng chữ Hán nếu muốn cho người Việt hiểu được phải thông qua phiên dịch. Vì thế, người Việt đã sáng tạo ra chữ Nôm theo phương pháp hình thanh và hội ý của chữ Hán để ghi âm tiếng Việt. Nhưng chữ Nôm vẫn là một văn tự quá phức tạp, lại không được các triều đình phong kiến Việt Nam ủng hộ nên nó chưa đạt tới trình độ chuẩn xác và thống nhất cao giữa các địa phương.

Trong khi đó chữ Quốc ngữ lại có khả năng biểu thị chính xác bất kỳ âm thanh nào của tiếng Việt, cấu tạo lại đơn giản, dễ học, dễ nhớ, người Việt chỉ cần học 3 tháng là đã có thể sử dụng được chữ Quốc ngữ. Do đó, chữ Quốc ngữ ra đời đã kết thúc thời kỳ kéo dài sự cách biệt giữa tiếng Việt và chữ viết. Đây là lý do quan trọng nhất khiến cho chữ Quốc ngữ ngày càng được phổ biến và sử dụng rộng rãi và có vai trò to lớn trong sự phát triển văn hoá Việt nam các thời kỳ sau này.

Như vậy, rõ ràng “việc truyền giáo vào Việt Nam đầu thế kỷ XVII, nhìn từ góc độ nó là một sự giao lưu văn hoá, với việc lập thành dạng chữ viết cho tiếng Việt của A.de.Rhodes, đã chuyển tải đến cho nền văn hoá Việt Nam một điều có ích, đó là dạng chữ viết có những ưu điểm hơn hẳn dạng chữ viết đang lưu hành ở Việt Nam. Và, chúng ta có thể ghi nhận công lao của A.de.Rhodes như là một nhà ngôn ngữ học có đóng góp nhiều nhất cho sự ra đời của dạng chữ viết này” [11]. Vì thế, đứng về mặt khách quan và công bằng “việc phục hồi lại công lao của A.de Rhodes trong việc hoàn chỉnh dạng chữ Quốc ngữ là cần thiết và hợp lý, vì nó là một thành tựu khoa học, một yếu tố văn hoá tích cực được chuyển tải đến Việt Nam qua con đường truyền giáo, cũng đồng thời là qua con đường chuyển tải văn hoá vốn là một chức năng tự thân của việc truyền giáo” [12].

2. Sự du nhập công nghệ in hiện đại và sự phát triển của báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX

Cùng với việc truyền bá Thiên Chúa giáo, các giáo sĩ đã du nhập vào Việt Nam rất nhiều thành tựu của kỹ thuật hiện đại phương Tây, trong đó một ngành công nghệ có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của văn hoáViệt Nam được các giáo sĩ Thừa sai đưa vào Việt Nam khá sớm: đó là ngành in. Cùng với việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, sự du nhập công nghệ in hiện đại vào Việt Nam đã góp phần làm thay đổi diện mạo văn hoá bản địa những năm đầu thế kỷ XIX, đặc biệt trên lĩnh vực báo chí.

Trước khi kỹ thuật in chữ rời được các Thừa sai Thiên Chúa giáo du nhập, ở Việt Nam phổ biến là kỹ thuật in ván khắc. Thời Giám mục Retord (1840 – 1858), một nhà in được lập ở Vĩnh Trị năm 1855 do Thừa sai Theurel trông nom, chủ yếu là in các sách giáo lý bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Latinh và chữ Quốc ngữ. Nhà in này vừa áp dụng công nghệ in khắc gỗ để in chữ Hán, chữ Nôm đồng thời kết hợp với in chữ rời để in chữ Latinh và chữ Quốc ngữ. Công nghệ in chữ rời có thể được coi là công nghệ in tiên tiến nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ. Do chính sách cấm đạo gay gắt của chính quyền nhà Nguyễn nên nhà in này phải tạm ngừng hoạt động trong một thời gian dài. Sau đó nhà in Vĩnh Trị được thừa sai Puginier cho phục hồi lại vào năm 1862, đến tháng 4 năm 1864 đã in được 7 – 8 cuốn sách bằng chữ Hán. Đến năm 1868, sau khi nhận chức Giám mục địa phận Tây Bắc Kỳ, Puginier đã cho chuyển xưởng in về Kẻ Sở, gửi mua thêm dụng cụ in từ Pháp như máy in chữ rời, máy in thạch, máy đóng sách. Do vậy mà nhà in Kẻ Sở đã trở thành một nhà in lớn và tương đối hiện đại. Chính tại nhà in này, cuốn “Tự điển Taberd” do Thừa sai Theurel bổ sung đã được xuất bản vào năm 1877.

Vào những năm 60 của thế kỷ XIX, một xưởng in khác nữa cũng được thành lập ở giáo phận Đông Nam Kỳ, in các sách chữ Hán, chữ Nôm, chữ Latinh và chữ Quốc ngữ. Cuốn “Tự điển Việt – Pháp” của thừa sai Pénibrel đã được in tại xưởng này vào năm 1898.

Nhà in Thừa sai (Im Primerie de la Mission), sau đó được đổi tên là nhà in Tân Định, được thành lập năm 1874, hoạt động đến năm 1965 với 8 giám mục thay nhau làm giám đốc [13]. Gần một thế kỷ hoạt động, Nhà in Tân Định cho in ấn hàng nghìn tác phẩm văn hoá Thiên Chúa giáo, trong đó tiêu biểu là tờ báo Nam Kỳ địa phận.

Như vậy, sự thành lập và hoạt động của các nhà in nói trên của các giáo sĩ đạo Thiên Chúa đã để lại một số ấn phẩm có giá trị, đáng kể nhất là hai cuốn tự điển của Taberd và Pénibrel. Đây là những tư liệu quý hiếm đánh dấu giai đoạn phát triển của chữ Quốc ngữ, là sự gợi mở cho việc biên soạn các cuốn tự điển khác về sau này, góp phần hoàn chỉnh thêm chữ Quốc ngữ. Thông qua những ấn phẩm in bằng chữ Quốc ngữ của các nhà in này, chúng ta có thể dựng lại các giai đoạn phát triển lịch sử của chữ Quốc ngữ về cấu trúc từ ngữ, cú pháp, âm, vần…

Rõ ràng có thể thấy mặc dù các xưởng in đó lúc đầu chỉ phục vụ cho giáo hội, nhưng điều quan trọng là sự du nhập kỹ thuật in tiên tiến của phương Tây vào Việt Nam đã là tiền đề vật chất quan trọng cho sự phát triển của văn hoá bản địa sau này, mà trước hết là sự phát triển của báo chí – một lĩnh vực của văn hoá được du nhập từ phương Tây vào nước ta.

Thế kỷ XX chứng kiến sự phát triển rầm rộ của báo chí Việt Nam, điều đó là do sự phát triển của công nghệ in và việc phổ cập chữ Quốc ngữ.

Sau khi Gia Định báo, tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam ra đời vào năm 1865 tại Sài Gòn, báo chí Việt nam xuất hiện và phát triển phong phú, sôi nổi chưa từng thấy từ Nam ra Bắc với những Nông cổ mín đàm, Đại Việt tân báo, Đăng cổ tùng báo, Lục tỉnh tân văn, Trung Bắc tân văn, Phụ nữ tân văn, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Đại Việt tạp chí, Thực nghiệp dân báo, Hữu thanh tạp chí, An Nam tạp chí, Tiếng Dân, Phụ nữ thời đàm, Văn học tạp chí, Phong hóa, Ngày nay, Khoa học phổ thông, Thanh Nghị, Tri Tân … gắn liền với tên tuổi của những nhà báo, nhà văn, học giả “Tây học” xuất sắc : Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Trọng Thuật, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố, Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Văn Ngọc…

Có thể nói, một tờ báo, nhất là một tờ báo bằng chữ Quốc ngữ ra đời trong thời kỳ này là một hiện tượng cực kỳ mới mẻ trong đời sống văn hoá Việt Nam. Trong số các tờ báo Quốc ngữ thì Đông Dương tạp chí Nam Phong tạp chí có vị trí nhất định trong đời sống văn hoá và báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, mặc dù hoạt động dưới sự trợ cấp tài chính và kiểm soát chặt chẽ của Sở mật thám Đông Dương, nhằm tuyên truyền cho chủ trương “Pháp – Nam hợp tác”. Đông Dương tạp chí góp phần đáng kể vào việc trau dồi ngôn ngữ văn xuôi tiếng Việt đầu thế kỷ XX, còn Nam Phong tạp chí đã bước đầu chú trọng khai thác các đề tài lịch sử, xã hội và văn hoá – văn minh của Việt Nam và thế giới với tinh thần “bảo tồn cổ học” và “dung hoà Đông Tây”. Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936), chủ bút tờ Đông Dương tạp chí, là một dịch giả có tài. Hai bản dịch thành công nhất của ông đã có ảnh hưởng tốt đến văn học đương thời là “Thơ ngụ ngôn” của La Fontaine và “Trưởng giả học làm sang” của Molière.

Trong buổi đầu phát triển của báo chí Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của báo chí Công giáo. Tờ báo Công giáo đầu tiên là tờ Nam Kỳ địa phận, ra số đầu tiên ngày 26/11/1908 ở Sài Gòn, có tuổi đời 37 năm (số cuối cùng ra ngày 1/3/1945) [14].

Ra đời sau Nam Kỳ địa phận còn có Thánh thể (1919) (ở địa phận Phát Diệm – Ninh Bình), Thánh giáo tuần báo Bắc Kỳ (1920 – 1923), Trung Hoà nhật báo ở Hà Nội (1924 – 1943), Công giáo Tiến hành (1936 – 1938), Công giáo Đồng Thinh (1927 – 1937)…

Ngay từ khi ra đời, báo chí Công giáo đã sớm tiếp cận được cách trình bày, minh hoạ, cập nhật thông tin của báo chí phương Tây. Việc sử dụng chữ Quốc ngữ của báo chí Công giáo góp phần phát triển tiếng Việt. Hơn nữa, báo chí Công giáo còn là kho tư liệu về lịch sử tôn giáo, về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam thời cận đại.

Không những chỉ làm thay đổi diện mạo văn hoá Việt Nam trên bình diện chữ viết và báo chí, Thiên Chúa giáo khi du nhập vào nước ta còn góp phần làm đa dạng hoá kiến trúc ở Việt Nam với sự du nhập của nghệ thuật kiến trúc nhà thờ phương Tây. Và đặc biệt, sự du nhập này đã tạo ra một sự giao lưu, hoà quyện văn hoá hết sức độc đáo.

3. Sự du nhập của nghệ thuật kiến trúc nhà thờ

Cùng với quá trình truyền bá đạo Thiên Chúa là sự du nhập kiến trúc nhà thờ phương Tây vào Việt Nam. Trước năm 1874, nhà thờ Thiên Chúa giáo Việt Nam có quy mô nhỏ bé giống như nhà dân, cửa được mở ra hai bên cho tín đồ thực hiện “lễ vọng” vào những ngày người đến dự lễ quá đông. Vật liệu xây dựng nhà thờ lúc đầu cũng rất đơn giản, mang tính chất “tạm bợ”, chủ yếu là tranh tre, nứa lá hoặc bằng gỗ.

Từ sau Hoà ước Giáp Tuất 1874 (trong đó có điều khoản đảm bảo cho Thiên Chúa giáo được truyền bá tự do), nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Việt Nam được xây dựng kiên cố hơn với hình thức đa dạng hơn, có thể quy về hai phong cách kiến trúc: phong cách châu Âu (thường gọi là nhà thờ Tây) và phong cách dân gian Việt nam (thường gọi là nhà thờ Nam)

Đặc trưng của lối kiến trúc theo phong cách châu Âu là kiểu kiến trúc gôtích với tháp chuông cao vút hình tiêm. Tiêu biểu cho phong cách kiến trúc này là nhà thờ Kẻ Sở (Ninh Phú, Kiện Khê, Thanh Liêm, Hà Nam), được xây dựng năm 1877 – 1882, chính Puginier – giám mục địa phận Tây Bắc Kỳ là người đã vẽ mẫu thiết kế cho nhà thờ này.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được xây dựng bắt đầu từ năm 1877 đến 1880 thì hoàn thành.

Nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng năm 1884, đến cuối năm 1887 được hoàn thành cơ bản với quy mô nhỏ hơn nhà thờ Kẻ Sở.

Lối kiến trúc gôtích với hình tháp nhọn, vòm mái đòi hỏi kỹ thuật xây dựng khác hẳn với lối kiến trúc truyền thống của người Việt. Qua việc xây dựng những công trình kiến trúc này, những người thợ Việt Nam có cơ hội được tiếp cận với kỹ thuật xây dựng của phương Tây: lối trang trí, họa tiết trong nhà thờ châu Âu như trang trí mặt tiền nhà thờ, trang trí cửa sổ, cửa ra vào, trang trí tháp chuông, vòm nhỏ hai bên hông và vòm lớn trên cung thánh, nơi đặt tượng Chúa, tượng Đức Mẹ Maria và các Thánh.

Nhưng số nhà thờ được xây dựng theo phong cách châu Âu như vậy không nhiều, hầu hết các nhà thờ Thiên Chúa ở Việt Nam đều được kiến trúc theo phong cách dân tộc Việt Nam, hoặc có sự đan xen giữa hai phong cách: vừa có yếu tố châu Âu, vừa có yếu tố truyền thống. Lối kiến trúc này vẫn được tiếp tục ở giai đoạn sau và có thể nói cho đến tận ngày nay. Tiêu biểu cho loại hình này là nhà thờ Lớn Phát Diệm thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, một nhà thờ có quy mô lớn trong các nhà thờ Thiên Chúa ở Việt Nam.

Có loại nhà thờ “vỏ Tây ruột Nam”, tức là về hình dáng mang dáng dấp nhà thờ Tây với tháp chuông nhọn cao vút, trang trí mặt tiền giống nhà thờ Tây nhưng bên trong lại trang trí theo phong cách nhà thờ Nam. Ví dụ như nhà thờ xứ Hà Hồi (Hà Tây), Yên Trì (Quảng Ninh), Tân Lộc (Nghệ An)…

Bên cạnh đó có những nhà thờ “thuần Nam” kiến trúc theo phong cách Á Đông như: Hảo Nho, Bình Sa (Ninh Bình), An Vân (Huế), Trung Lao (Nam Định), Ba Làng (Thanh Hoá), đặc biệt là khu quần thể thánh đường Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình). Nét đặc trưng của loại hình nhà thờ “thuần Nam” là không có tháp chuông cao vút gắn với mặt tiền nhà thờ, tháp chuông có thể được làm rời phía trước hoặc bên hông nhà thờ như nhà thờ xứ An Vân (Huế), Sơn Dương (Huế)…Phần lớn các tháp chuông đều xây theo kiểu 3 lầu, càng lên cao càng thu nhỏ lại mang phong cách Á Đông, bên trên có gắn thập tự. Trong các tháp chuông thường treo chuông Nam (loại chuông do nhà thờ mua về hoặc đúc theo kiểu chuông chùa).

Nhiều nhà thờ Nam có mặt tiền được xây dựng theo phong cách tam quan: giống như tam quan chùa, cửa ra vào có thể là 3 hoặc 5 cuốn tò vò hoặc hình móng ngựa. Diềm cửa được trang trí hoa văn, hoạ tiết với nhiều bức chạm tứ quý (mai, lan, cúc, trúc) theo lối trang trí cổ truyền của người Việt. Hai bên mặt tiền nhiều nhà thờ Nam còn có câu đối, nội dung thường ca ngợi Thiên Chúa đã sáng tạo ra vũ trụ, ca ngợi những phẩm hạnh của Đức Mẹ Maria…

Ở một vài nhà thờ Nam, mặt tiền có gắn bia đá như nhà thờ Lớn Phát Diệm, nhà thờ Trung Lao. Có thể nói mặt tiền nhà thờ Nam là sự tổ hợp kiến trúc phương Đông và phương Tây trong đó yếu tố phương Đông giữ vai trò chủ đạo. Kiến trúc phương Tây đã được các bàn tay tài hoa của người Việt biến thể tạo ra một loại hình nhà thờ mới góp phần làm phong phú loại hình nhà thờ Thiên Chúa giáo Việt Nam.

Cung Thánh trong các nhà thờ “thuần Nam” thường được sơn son thếp vàng, chịu ảnh hưởng của quan niệm thẩm mỹ truyền thống của người Việt: “đẹp vàng son, ngon mật mỡ”: nhà thờ Trung Lao (Nam Định), Hảo Nho ( Ninh Bình), Hà Hồi (Hà Tây), Phát Diệm (Ninh Bình)… Nơi đặt tượng Thiên Chúa, tượng Đức Mẹ, tượng các Thánh ở nhiều nhà thờ Nam được làm bằng gỗ, chạm trổ hoa lá cầu kỳ và được sơn son thếp vàng, dân gian thường gọi là các toà vàng.

Vách Cung Thánh Nhà thờ Lớn Phát Diệm cũng rất tiêu biểu cho phong cách Cung Thánh vách gỗ sơn son thếp vàng. Toà vàng ở chính giữa, hai bên là hoa văn dây lá chạy dài. Bên trong toà vàng là tượng Đức Mẹ Maria bế Chúa Hài đồng. Hai bên là những ô nhỏ được trang trí hoa văn cách điệu, xung quanh có những đường chỉ gờ bao viền tạo độ sâu cho ô, bên trong các ô gắn ảnh các Thánh. Điều này rất khác cách trang trí Cung Thánh ở các nhà thờ Tây.

Xin được dẫn chứng một công trình kiến trúc tiêu biểu thể hiện sự kết hợp yếu tố dân gian truyền thống vào kiến trúc nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Việt Nam: Nhà thờ Phát Diệm (có nghĩa là phát sinh ra cái đẹp) được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX trên vùng đất mới khai phá Kim Sơn – Ninh Bình. Linh mục Phêrô Trần Lục (thường gọi là cụ Sáu) đã chỉ huy việc xây dựng quần thể thánh đường này. Nhà thờ Phát Diệm là một công trình lớn trong các nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Việt Nam, có nhiều giá trị về mặt kiến trúc và đặc điểm nổi bật của nó là mang đậm dấu ấn kiến trúc dân tộc, thể hiện rõ nét tâm thức Việt Nam. Khu quần thể kiến trúc được kiến tạo theo trục chính Bắc – Nam, mặt tiền nhìn về phía Nam, là hướng được ưa chuộng của các công trình đình, chùa, miếu, mạo. Theo quan niệm của người phương Đông, “thánh nhân nam diện nhi thỉnh thiên hạ”, có nghĩa là thánh nhân ngoảnh mặt về hướng Nam nghe thiên hạ tâu bầy.

Khu toà địa phận có 4 cửa, hai cửa phía Đông, hai cửa phía Tây. Cửa phía Đông thường xuyên mở vì theo quan niệm xưa, hướng đông là nơi hội tụ các thần linh, vì vậy người đi vào nhà thờ thường đi theo hướng đông (điều này rất ít gặp ở những nhà thờ xây dựng theo kiến trúc phương Tây).

Phía trước khu quần thể là một cái ao hình chữ nhật rộng gần 1 hécta, đằng sau là núi nhân tạo, điều này không chỉ làm cho phong cảnh hữu tình hơn với “sơn – thuỷ” mà còn dựa trên quan niệm về phong thuỷ của người phương Đông.

Các nhà thờ trong khu quần thể này như nhà thờ thánh Giuse, nhà thờ thành Phêrô, kiến trúc tập trung vào mặt tiền với ba lối vào vòm cuốn, xây theo kiểu tam quan với ba tầng lầu, càng lên lầu trên cửa càng thu nhỏ, mái cong lợp ngói mũi hài. Nếu bên trên không gắn cây thập tự thì người ta sẽ nghĩ đây là một ngôi tháp cổ hay một mái tam quan của đình chùa thường gặp trong các làng quê Việt Nam.

Ba công trình kiến trúc: Nhà thờ Lớn (còn gọi là nhà thờ Kính Đức Mẹ Mân Côi), Phương Đình và nhà thờ Trái tim Đức Mẹ (còn gọi là nhà thờ Đá) là những công trình kiến trúc tiêu biểu mang đậm tính dân tộc hơn cả.

- Nhà thờ Trái tim Đức Mẹ được xây dựng đầu tiên, năm 1883. Nhà thờ này dài 18 mét, rộng 9 mét, cao 5 mét, thường gọi là nhà thờ Đá vì nền, cột, xà, tường, chấn song, tháp, bàn thờ đều bằng đá.

Mặt tiền gồm 3 lối ra vào (tam quan), hai tháp hình vuông mỗi tháp 5 tầng đặt trên hai cửa ra vào phụ. Phía trên cửa ra vào chính giữa là toà Đức Mẹ bằng đá uốn vòm, trong có đặt tượng Đức Mẹ.

Phía trong nhà thờ được xây bằng những phiến đá cẩm thạch nhẵn bóng với những đường nét thanh thoát, nhẹ nhàng. Hai bên vách nhà thờ có những bức chạm tứ quý: tùng, cúc phía đông, trúc, mai phía tây. Ngoài ra còn có những bức chạm ở vách ngoài bằng đá hình chim phượng xoè cánh, mang bút nghiên và sư tử có bờm dài, răng nanh, mặt giống mặt người đang cười. Nhà thờ Đá được coi là một kiệt tác nghệ thuật, nhiều người còn gọi đó là Viên ngọc.

- Nhà thờ Lớn (hay còn gọi là nhà thờ Kính Đức Mẹ Mân Côi)

Đây là ngôi nhà thờ lớn nhất, đẹp nhất và lối kiến trúc dân tộc cũng được thể hiện rõ nét nhất. Mặt tiền của nhà thờ Lớn có 5 lối ra vào bằng đá, phía trên là ba tháp vuông bằng gạch, đầu đao, mái cong, lợp ngói mũi hài. Trên đỉnh tháp ở giữa có tượng hai thiên thần cầm thánh giá, hai bên là hai thiên thần khác thổi loa, bên dưới có khắc 4 chữ Hán “Thẩm phán tiền triệu” (điềm báo trước ngày phán xét). Điều đáng nói là các thiên thần này đều mang gương mặt Á Đông, hai tai dài, dái tai chẩy như tai Phật.

- Phương Đình

Phương Đình được hoàn thành năm 1899, là công trình sau cùng của linh mục Trần Lục. Hình dáng của Phương Đình giống như đình làng, kích thước gần vuông: ngang 24m, sâu 17m, cao 25m. Toà Phương Đình có 3 cửa ra vào, bên trên là hai tầng lầu, các đầu dốc uốn mái cong uyển chuyển, mái lợp ngói mũi hài. Tầng trên cùng (tầng 3) treo quả chuông Nam (chuông nện vồ, khác với chuông Tây phải kéo chuông mới kêu). Xung quanh chuông có khắc chữ Hán và chữ Latinh. Bốn tháp ở bốn góc kết cấu chồng mái cong rất mềm mại, trên đỉnh mỗi tháp là tượng các Thánh chép sách Phúc âm.

Với lối kiến trúc tam bậc, tam cấp, chồng mái, đầu dốc uốn cong vút, lợp ngói mũi hài, toà Phương Đình đem lại cho người ta một ấn tượng mạnh mẽ về một phong cách Á Đông. Tín đồ Thiên Chúa giáo đến nhà thờ thực hành lễ có cảm giác như đến với đình, chùa vốn thân quen và ăn sâu vào tiềm thức của người Việt.

Khu nhà thờ Phát Diệm là một công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng kiểu phương Đông, hay nói đúng hơn nó mang đậm nét tính dân tộc Việt Nam. Vì vậy, quần thể kiến trúc này đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích văn hoá, công trình văn hoá của quốc gia.

Có thể thấy rằng trước khi có kiến trúc nhà thờ phương Tây, những công trình kiến trúc như đình, chùa, miếu, mạo đã in đậm trong tâm thức của người Việt. Phải chăng vì thế mà khi du nhập vào Việt Nam, kiến trúc phương Tây đã kế thừa, hoà trộn những yếu tố Việt đó để dễ đi vào lòng người của người dân quê Việt Nam? Có thể còn nhiều lý do khác nữa, nhưng rõ ràng nhờ đó kiến trúc nhà thờ Việt Nam trở nên đa dạng và đặc sắc. Sự xuất hiện của nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Việt Nam đã du nhập những phong cách kiến trúc mới, vật liệu xây dựng mới. Trên cơ sở lối kiến trúc phương Tây, người thợ Việt Nam tài hoa đã tạo ra những kiểu dáng mới, tiêu biểu là loại hình kiến trúc nhà thờ Nam – một sáng tạo trong kiến trúc Thiên Chúa giáo Việt Nam. Đây được coi là một tư liệu sống động về sự hội nhập văn hoá.

Kết luận

Đạo Thiên Chúa được truyền bá vào Việt Nam từ khá sớm, khoảng nửa đầu thế kỷ XVI, nhưng hoạt động truyền đạo chỉ thực sự có kết quả từ đầu thế kỷ XVII. Cho đến nay, Thiên Chúa giáo đã có lịch sử trên 400 năm ở Việt Nam. So với Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo thì Thiên Chúa giáo là một tôn giáo đến muộn, tuy nhiên trải qua thời gian, văn hoá Thiên Chúa giáo vẫn có một chỗ đứng nhất định trong văn hoá Việt Nam. Tuy vậy, văn hoá Thiên Chúa giáo đã có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của văn hoá Việt Nam. Những đóng góp của Thiên Chúa giáo đối với văn hoá dân tộc Việt Nam thể hiện trên rất nhiều lĩnh vực: lối sống đạo, ngôn ngữ – chữ viết, báo chí, văn chương, kiến trúc… Sẽ là thiếu khách quan và công bằng nếu như chúng ta phủ nhận những đóng góp có thể coi là tích cực này của Thiên Chúa giáo. Cuối cùng, chúng tôi xin mượn lời tác giả Nguyễn Văn Kiệm để làm lời kết luận cho báo cáo của mình, bởi đây là một vấn đề lớn và phức tạp, cần có sự nghiên cứu chuyên sâu hơn mà trong phạm vi bài viết hạn hẹp này, chúng tôi chưa thể hiện hết được những nội dung cần chuyển tải:

“Những tôn giáo lớn trên thế giới, trong quá trình lan toả, cùng lúc với sự truyền bá đức tin, còn có vai trò chuyển tải văn hoá nội sinh của tôn giáo nào đó cũng như văn hoá của cộng đồng sản sinh ra nó. Khi du nhập vào Việt Nam, Công giáo cũng thể hiện vai trò đó và có những đóng góp vào nền văn hoá bản địa” [15]

———-

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Văn Kiệm, Sự du nhập của đạo Thiên Chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc Việt Nam, Hà Nội, 2001, 400 trang, tr 38.

2. Nguyễn Văn Kiệm, Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lịch sử cận đại Việt Nam, Nxb Văn hoá – Thông tin, H.2003, 645 trang, tr 34.

3. (dẫn theo) Huy Thông, Ảnh hưởng qua lại giữa văn hoá Công giáo và văn hoá Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2, năm 2000, tr 56. 4. (dẫn theo) Nguyễn Hồng Dương, Tôn giáo trong mối quan hệ văn hoá và phát triển ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, H.2004, 393 trang, tr 271 – 272.

5. (dẫn theo) Nguyễn Hồng Dương, Tôn giáo trong mối quan hệ văn hoá và phát triển ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, H.2004, 393 trang, tr 272. 19

6. Nguyễn Phước Tương, Giáo sĩ Bồ Đào Nha Francisco de Pina – người tiên phong sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 5, năm 2001, tr 29.

7. Nguyễn Văn Hoàn, Chữ Quốc ngữ và sự phát triển của văn hoá Việt Nam trong thế kỷ XX, Tạp chí Văn học, số 9, năm 2000, tr 43.

8.9. (dẫn theo) Đặng Đức Siêu, Chữ viết trong các nền văn hoá, Nxb Văn hoá, H.1982, 177 trang, tr 170.

10. (dẫn theo) Đặng Đức Siêu, Chữ viết trong các nền văn hoá, Nxb Văn hoá, H.1982, 177 trang, tr 171.

11. Nguyễn Văn Kiệm, Sự du nhập của đạo Thiên Chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc Việt Nam, H.2001, 400 trang, tr 117.

12. Nguyễn Văn Kiệm, Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lịch sử cận đại Việt Nam, Nxb Văn hoá – Thông tin, H.2003, 645 trang, tr 40.

13. Nguyễn Hồng Dương, Tôn giáo trong mối quan hệ văn hoá và phát triển ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, H.2004, 393 trang, tr 275.

14. Nguyễn Hồng Dương, Tôn giáo trong mối quan hệ văn hoá và phát triển ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, H.2004, 393 trang, tr 253.

15. Nguyễn Văn Kiệm, Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lịch sử cận đại Việt Nam, Nxb Văn hoá – Thông tin, H.2003, 645 trang, tr 123.

——————-

Tác giả: Ths. Phạm Thị Thanh Huyền Khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội *

* Ghi chú của Ba Sàm: Tham luận này được phổ biến tại HỘI THẢO QUỐC TẾ VIỆT NAM HỌC LẦN THỨ BA “Việt Nam: Hội nhập và Phát triển” . Mời xem thêm các bài viết về cuộc hội thảo này trên mục Chủ ĐỀ/Hội thảo VN học-3 (riêng trang web của Hội thảo có lẽ đã bị gỡ bỏ).

Nguồn: Basam.us


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét